Chiến tranh du kích Tình trạng khẩn cấp Malaya

Quân Giải phóng Dân tộc Malaya thường sử dụng chiến thuật du kích, phá hoại ngầm các căn cứ, tấn công các đồn điền cao su và phá hoại giao thông và hạ tầng.[7]

Hỗ trợ của Quân Giải phóng Dân tộc Malaya dựa chủ yếu vào khoảng 500.000 trong số 3,12 triệu người Hoa đang sinh sống tại Malaya. 500.000 được gọi là 'dân vận' và đại bộ phận trong đó là nông dân sống cạnh các khu rừng nơi Quân Giải phóng Dân tộc Malaya đặt căn cứ. Điều này cho phép Quân Giải phóng Dân tộc Malaya được tiếp tế lương thực, cũng như nguồn tân binh.[8] Dân cư thuộc dân tộc Mã Lai ủng hộ họ với số lượng nhỏ hơn. Quân Giải phóng Dân tộc Malaya giành được sự ủng hộ của người Hoa do họ bị từ chối quyền bình đẳng trong bầu cử, không có quyền sở hữu đất, và thường là rất nghèo.

Các trại và nơi ẩn náu của Quân Giải phóng Dân tộc Malaysia nằm tại khu rừng rậm nhiệt đới khó tiếp cận, với hạ tầng hạn chế. Hầu hết các chiến binh của Quân Giải phóng Dân tộc Malaya là người Hoa, song cũng có một số người Mã Lai, Indonesia và gốc Ấn. Quân Giải phóng Dân tộc Malaya được tổ chức thành các trung đoàn, song không có tổ chức cố định và mỗi đơn vị bao gồm toàn bộ lực lượng hoạt động trong một khu vực cụ thể. Các trung đoàn có những tiểu đội chính trị, chính ủy, ban huấn luyện và bí mật. Trong các trại, các binh sĩ tham dự các bài diễn thuyết về chủ nghĩa Marx-Lenin, và sản xuất các bản tin để phát cho nhân dân bản địa. Quân Giải phóng Dân tộc Malaya cũng quy định rằng các binh sĩ cần được cho phép chính thức để tham gia quan hệ luyến ái với phụ nữ bản địa.

Trong giai đoạn đầu của xung đột, quân du kích dự kiến thiết lập các "khu vực giải phóng" từ những nơi mà quân chính phủ bị đẩy lui, với quyền kiểm soát của Quân Giải phóng Dân tộc Malaya được thiết lập, song đương thời không thành công.

Công nhân trong một đồn điền tại Malaya đi làm dưới sự bảo hộ, 1950.Một phiến quân bị thương đang bị cầm giữ và thẩm vấn sau khi bị bắt, năm 1952.

Chiến lược đầu tiên của chính phủ chủ yếu là nhằm bảo vệ các mục tiêu quan trọng, chẳng hạn các mỏ và đồn điền. Sau đó, người chỉ huy các chiến dịch của Quân đội Anh tại Malaya là Harold Briggs phát triển một chiến lược tổng thể mang tên Kế hoạch Briggs. Nguyên lý trung tâm của nó là: cách tốt nhất để đánh bại một cuộc nổi loạn, như chính phủ đang phải đối diện, là tách những người nổi dậy khỏi những người ủng hộ họ trong dân chúng. Ngoài ra, kế hoạch của Briggs cũng thừa nhận tính chất khắc nghiệt của rừng rậm Malaya. Một phần quan trọng của chiến lược liên quan đến mục tiêu tiếp tế lương thực cho Quân Giải phóng Dân tộc Malaya, Briggs cho rằng nó đến từ ba nguồn chính: các trại trong rừng rậm nơi đất được phát quang để cung cấp lương thực, dân bản địa trong rừng có thể cung cấp cho Quân Giải phóng Dân tộc Malaya các thực phẩm thu thập trong rừng, và những người ủng hộ Quân Giải phóng Dân tộc Malaya trong các cộng đồng sống ven rừng.[9]

Kế hoạch Briggs là đa phương diện, một khía cạnh đặc biệt nổi tiếng: di dời bắt buộc 500.000 người Malaya ở nông thôn, trong đó có 400.000 người Hoa, từ các cộng đồng rìa rừng đến các trại được bảo vệ gọi là "Tân Thôn". Những thôn này hầu hết đều mới được xây dựng, bao quanh thôn là dây thép gai, đồn cảnh sát và các khu vực rọi đèn pha, mục đích là tách biệt dân cư và lực lượng du kích.

Lúc khởi đầu tình trạng khẩn cấp, người Anh có 13 tiểu đoàn bộ binh tại Malaya, trong đó có 7 tiểu đoàn được hình thành một phần từ các tiểu đoàn Gurkha, ba tiểu đoàn Anh, hai tiểu đoàn của Trung đoàn Hoàng gia Mã Lai và một trung đoàn pháo binh hoàng gia Anh hành động như bộ binh.[10] Lực lượng này quá nhỏ để đương đầu hiệu quả với đe dọa từ các hoạt động cộng sản và cướp bóc, và cần thiết có thêm các tiểu đoàn bộ binh tại Malaya. Người Anh đem binh sĩ từ các đơn vị như Hải quân Hoàng gia Anh và Đội súng trường châu Phi của Quốc vương. Nỗ lực khác là tái thiết Đoàn Hàng không đặc chủng vào năm 1950 với vai trò một đội trinh sát, đột kích, và bình loạn đặc biệt.

Sĩ quan người Anh Robert Grainger Ker Thompson từng phục vụ trong lực lượng Chindits tại Miến Điện thời Thế chiến. Kinh nghiệm phong phú của ông trong chiến tranh rừng rậm có giá trị trong giai đoạn này khi ông có thể xây dựng các quan hệ dân sự-quân sự hiệu quả và là một trong các kiến trúc sư trưởng trong kế hoạch bình loạn tại Malaya.[11][12] Gerald Templer trở thành sĩ quan chỉ huy của lực lượng Anh tại Malaya vào năm 1952, ông được công nhận rộng rãi là xoay hướng tình thế trong tình trạng khẩn cấp Malaya theo hướng có lợi cho lực lượng Anh. Trong hai năm ông chỉ huy, hai phần ba số phiến quân bị xóa sổ.[13] Lịch sử chính thống ghi rằng Templer cải biến tình thế trong tình trạng khẩn cấp và các hành động và chính sách của ông là một phần quan trọng trong thành công của người Anh thời ông chỉ huy. Tuy nhiên, các sử gia xét lại thách thức quan điểm này và thường ủng hộ các ý kiến của Victor Purcell rằng Templer đơn thuần là tiếp tục các chính sách do những người tiền nhiệm của ông khởi đầu.[14]

Năm 1951, một số đơn vị vũ trang Anh bắt đầu một "chiến dịch trái tim và khối óc" bằng cách trợ giúp y tế và lương thực cho người Mã Lai và các bộ lạc bản địa. Vào đương thời, họ đặt áp lực lên Quân Giải phóng Dân tộc Malaya bằng cách đi tuần tra trong rừng. Quân du kích Quân Giải phóng Dân tộc Malaya bị đẩy sâu hơn vào rừng và gặp khó khăn về nguồn lực. MRLA lấy lương thực từ bộ lạc Sakai và khiến họ trở nên thù địch, nhiều binh sĩ du kích bị bắt đã thay đổi phe chiến đấu.

Chung cuộc, xung đột có sự tham dự của tối đa 40.000 binh sĩ Anh và Thịnh vượng chung, chống lại lượng lượng du kích cộng sản có khoảng 7-8.000 người vào lúc cao nhất.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tình trạng khẩn cấp Malaya http://www.awm.gov.au/atwar/emergency.htm http://www.anzacday.org.au/history/malaya/malayama... http://britains-smallwars.com/malaya/index.html http://fesrassociation.com/archives/toc.htm http://findarticles.com/p/articles/mi_m0KNN/is_32/... http://books.google.com/books?id=zqXgTC4XgSEC&pg=P... http://www.roll-of-honour.com/Databases/MalayaPost... http://www.vietnam.ttu.edu/vietnamcenter/events/20... http://books.google.com.my/books?id=_aPdeJinXGwC&p... //dx.doi.org/10.1017%2FS0022463401000030